Phong thủy - Để nhà hô hấp tốt
Vì sao có nhà đến thì thấy không khí thoáng đãng, dễ thở, mà có nhà thì luôn có gì đó ngột ngạt, dù diện tích rộng, mở máy điều hòa, nội thất cao cấp?
Ngoài yếu tố về thông gió, phải chăng như nhiều người theo quan điểm của phong thủy nói là nhà bị thiếu sinh khí?
Có thể khẳng định vấn đề nhà có sinh khí hay không là câu chuyện biểu hiện mối quan hệ giữa phong thủy và khoa học về môi trường. Bên cạnh đó mỗi ngôi nhà đều có cấu trúc, cách thức “hô hấp” tương quan bao cảnh với con người rất riêng. Vì thế dù đã ra đến ngoại ô, dễ dàng thấy sự khác biệt không khí bên ngoài, nhưng chưa chắc vào trong ngôi nhà nào đó đã thấy ổn hơn, bởi còn phụ thuộc cách xử lý “tiểu vũ trụ” với những sinh hoạt, ngăn chia cụ thể.
NHÀ LUÔN “HÔ HẤP” CÙNG NGƯỜI
Sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình đều mang tính tĩnh hoặc động với các mức độ từ ít đến nhiều. Hoạt động tích cực sẽ tỏa năng lượng cùng máy móc, bếp núc, như nấu nướng, tiếp khách, gặp gỡ nhiều người sẽ khiến không khí ngột ngạt, nhiệt độ tăng, cảm giác cần thoáng đãng hơn. Hoạt động thụ động tĩnh lặng là lúc ngủ, ở một mình hay suy ngẫm,...
Dù theo dạng nào thì luôn có sự tương tác qua lại với nhau giữa khối tích, luồng không khí và con người.
Vì vậy nội khí trong nhà có trong lành và thoải mái hay không nằm ở khả năng thay đổi, tiếp nạp, luân chuyển thường xuyên các luồng không khí về vật lý, chứ không phải làm nhà mở nhiều cửa hay tạo ra góc nhìn đẹp là xong.
Nói cách khác, cấu trúc nhà phải như một “máy thở”, có đầu vào đầu ra, có chỗ xả khí thừa, thoát khí nóng và khói mùi, lấy khí mới.
Bởi vậy các giải pháp cực đoan đều không thể giúp nhà hô hấp tốt, ví dụ như đóng kín hoàn toàn dùng máy điều hòa hoặc mở trống hoàn toàn để thông thoáng tự nhiên. Các giải pháp cực đoan này đều bất lợi và sẽ không bảo đảm Sinh khí.
NỘI THẤT CŨNG LÀ YẾU TỐ ĐIỀU TIẾT QUAN TRỌNG
Nhà dễ thở còn liên quan đến quan niệm ngăn chia và xếp đặt vật dụng nội thất. Nhiều biệt thự có sân vườn chung quanh mà vẫn ngột ngạt vì nội thất có quá nhiều đồ vật. Mỗi vật dụng lại có nguồn gốc vật liệu, cấu tạo và “hít thở” khác nhau.
Vì thế phong cách nội thất tối thiểu trong bài trí, kết hợp vật liệu thân thiện môi trường đang được ưa chuộng vì những khoảng trống giá trị mà nó tạo ra.
Có thể kết luận, để nhà hô hấp tốt còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, có cả yếu tố phong thủy và khoa học. Tuy nhiên, chính những con người, những lối sống, thói quen của họ cũng đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng hô hấp của một ngôi nhà.
Ảnh: Nguồn Internet